Lịch sử Đảo_Wrangel

Hình ảnh chụp màu thật MODIS về đảo Wrangel, thực hiện năm 2001

Tiền sử

Chứng cứ về sự có mặt của con người thời tiền sử được phát hiện năm 1975 tại di chỉ Chertov Ovrag[2]. Hàng loạt các công cụ đá và ngà voi dã được tìm thấy, bao gồm cả lao móc có chốt bấm. Các định niên đại bằng cacbon phóng xạ cho thấy sự sinh sống của con người tại đây đồng thời với sự tồn tại của những con voi ma mút cuối cùng trên đảo, khoảng 1700 TCN, mặc dù người ta vẫn chưa tìm thấy chứng cứ trực tiếp nào về việc săn bắn voi ma mút.

Truyền thuyết thịnh hành của người Chukchi tại Siberi kể rằng một thủ lĩnh tên là Krachai hay Krahay, đã cùng những người dân của mình (người Krachai hay Krahay) vượt qua băng tuyết để tới sinh sống tại vùng đất phương bắc[3]. Mặc dù câu chuyện này chỉ là thần thoại, nhưng sự tồn tại của đảo hay châu lục ở phía bắc là có sự tin cậy do sự di cư hàng năm của tuần lộc trên mặt băng, cũng như sự xuất hiện của các mũi giáo màu xám đen trôi dạt vào bờ biển Bắc cực, được dùng làm đồ trang sức mà người Chukchi không biết đến từ đâu.

Trước khi phát hiện

Năm 1764, một người Cossack là Sergeant Andreev tuyên bố rằng đã nhìn thấy đảo này, gọi nó là "Vùng đất Tikegen" và tìm thấy chứng cứ về các cư dân của đảo (người Krahay). Đảo này được đặt tên theo nam tước Ferdinand von Wrangel (1797 - 1870), người sau khi đọc báo cáo của Andreev và nghe những câu chuyện của người Chukchi về vùng đất tại các tọa độ của đảo, đã thiết lập đoàn thám hiểm (1820–1824) để đi tìm đảo này, nhưng không thành công[4]

Thám hiểm của người Anh và Mỹ

Năm 1849, Henry Kellett, thuyền trưởng HMS Herald, đã đổ bộ lên và đặt tên đảo Herald, và nghĩ rằng ông đã nhìn thấy một đảo khác ở phía tây; sau đó nó được ghi trên biểu đồ của Bộ Hải quân Anh như là "Kellett Land".Tháng 8 năm 1867, Thomas Long, một thuyền trưởng của tàu săn cá voi của Hoa Kỳ, "đã đến gần đảo tới mười lăm dặm. Tôi đã đặt tên cho vùng đất phương bắc này là Wrangell [nguyên văn] Land (Vùng đất Wrangell) … như là sự kính trọng thích đáng để ghi nhớ về người đã bỏ ra ba năm liên tiếp về phía bắc của vĩ độ 68°, và chứng minh vấn đề của vùng biển khơi vùng cực này bốn mươi lăm năm trước, mặc dù những người khác với thời gian muộn hơn nhiều đã cố gắng để tuyên bố là xứng đáng với phát hiện này."

George W. DeLong, chỉ huy của tàu USS Jeanette, đã dẫn đầu một đoàn thám hiểm vào năm 1879 trong nỗ lực để tới được Bắc cực, dự kiến sẽ đi theo "sườn đông của Kellett land", mà ông nghĩ là trải dài tới Bắc cực. Con tàu của ông bị vây hãm trong băng và trôi dạt về phía đông trong phạm vi tầm nhìn của đảo Wrangel trước khi bị đè nát và chìm. Sự đổ bộ lần đầu tiên (đã biết) lên đảo Wrangel diễn ra vào ngày 12 tháng 8 năm 1881 là của một nhóm từ tàu USRC Corwin, họ đã tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này cho Hoa Kỳ[5]. Chuyến thám hiểm dưới sự chỉ huy của Calvin L. Hooper, đã tìm kiếm tàu Jeannette và 2 tàu săn cá voi bị thất lạc bên cạnh việc tiến hành thám hiểm chung. Trong đoàn này có cả nhà tự nhiên học John Muir, là người đã xuất bản những miêu tả đầu tiên về đảo Wrangel.

Thám hiểm thủy văn Bắc Băng Dương của Nga

Năm 1911, một nhóm người Nga từ 2 tàu phá băng Vaigach và Taymyr dưới sự chỉ huy của Boris Vilkitsky đã đổ bộ lên đảo và cắm cờ Nga tại đây [6].

Năm 1916, đế quốc Nga tuyên bố đảo Wrangel là một phần lãnh thổ của mình.

Thất bại của các đoàn thám hiểm Stefansson

Năm 1914, những người sống sót của đoàn thám hiểm Bắc cực được trang bị kém của Canada, do Vilhjalmur Stefansson tổ chức, đã phải sống trên hoang đảo này tới 9 tháng sau khi tàu của họ, Karluk, bị xiết chặt và đè nát trong băng. Những người sống sót này đã được tàu đánh cá trang bị động cơ dầu của Mỹ là King & Winge giải cứu[7] sau khi thuyền trưởng Robert Bartlett đã phải đi bộ trên mặt băng của biển Chukotka vào Siberi để nhờ trợ giúp.

Năm 1921, đảo Wrangel lại chứng kiến thêm một thảm họa nữa khi Stefansson gửi 5 người (1 người Canada, 3 người Mỹ và 1 người Inuit) trong một cố gắng nhằm tuyên bố chủ quyền đối với hòn đảo này cho Canada. Những nhà thám hiểm này do chính tay Stefansson lựa chọn trên cơ sở kinh nghiệm trước đây cũng như các khả năng lý thuyết của họ. Steffanson tính toán đến những người này với kiến thức vượt trội trong các lĩnh vực địa lý và khoa học cho đoàn thám hiểm. Nhóm ban đầu bao gồm Allan Crawford từ Canada, Fred Maurer, Lorne Knight và Milton Galle từ Hoa Kỳ nhưng gần như tất cả đã chết do bệnh scobut. Năm 1923, người sống sót duy nhất của đoàn thám hiểm này, người đàn ông của tộc InuitAda Blackjack, đã được một tàu cứu thoát khi cho đổ bộ một nhóm 13 người (1 người Mỹ là Charles Wells và 12 người Inuit).

Liên Xô

Năm 1924, Liên Xô đã loại bỏ các thành viên của khu định cư này và thiết lập khu định cư tồn tại cho tới nay trên đảo. Năm 1926, dưới sự chỉ huy của G. A. Ushakov, Liên Xô cho xây dựng một trạm nghiên cứu vùng cực tại đây. Cùng với Ushakov, người ta đưa tới đây định cư 59 người nữa, chủ yếu là người Eskimo.

Trong thập niên 1930, đảo Wrangel trở thành địa điểm của sự kiện tội phạm kỳ quái khi nó nằm dưới sự quản lý của viên thống đốc được chỉ định nhưng ngày càng chuyên quyền độc đoán tên là Konstantin Semenchuk, kẻ đã kiểm soát công chúng và các nhân viên của mình thông qua tống tiền và giết người công khai. Ông ta cấm những người Eskimos địa phương không được đi săn moóc (Odobenus rosmarus), đặt họ vào tình trạng chết đói, trong khi vẫn thu thập thực phẩm cho bản thân mình. Ông ta còn dính líu vào những cái chết bí ẩn của một số những người đối lập, kể cả vị bác sĩ tại địa phương. Phiên tòa tháng 6 năm 1936 tại Moskva đã xử tử hình Semenchuk vì tội "cướp bóc" và vi phạm luật pháp Xô viết[8].

Trong và sau Đại chiến thế giới lần thứ hai nhiều tù binh người Đức và các chiến hữu của Andrey Vlasov đã bị cầm tù và chết trên đảo Wrangel[cần dẫn nguồn]. Tù nhân sau này đã di cư sang Israel, Efim Moshinsky, tuyên bố đã nhìn thấy Raoul Gustav Wallenberg tại đó vào năm 1962.[9]

Theo một số cá nhân tại Mỹ, bao gồm cả nhóm State Department Watch, 8 đảo vùng Bắc cực hiện tại do Nga kiểm soát, trong đó có đảo Wrangel, bị chính quyền Hoa Kỳ đòi. Tuy nhiên, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thì yêu sách như thế không tồn tại. Hiệp ước biên giới biển Liên Xô/Mỹ 1990, vẫn chưa được Duma Nga phê chuẩn, không đề cập tới tình trạng của các đảo này.